Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống đều cho rằng, đó không chỉ là sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà còn là tội ác. Đồng thời đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến tiêu thụ.

Buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước
Các chuyên gia nhìn nhận thế nào về hành vi của các đối tượng khi sử dụng dầu ăn cho gia súc để bán cho người tiêu dùng, thậm chí tuồn vào bếp ăn tập thể, nhà hàng, làng nghề chế biến bánh kẹo, đồ ăn vặt cho trẻ em...thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Theo tôi, đây là hành vi rất mất đạo đức. Nhà nước đã quy định rõ đâu ra dầu ăn dành cho chăn nuôi, đâu là dầu ăn dành cho người. Việc số lượng lớn dầu ăn chăn nuôi được tuồn ra thị trường, len lỏi vào bếp ăn tập thể, trường học, xí nghiệp hay sử dụng chế biến đồ ăn cho trẻ em rất hệ trọng. Cần làm rõ trách nhiệm của cả các đơn vị sử dụng loại dầu ăn này để chế biến thức ăn dùng cho con người.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng, thời gian thực hiện hành vi phạm tội kéo dài, lượng hàng hóa đặc biệt lớn, thu lợi bất chính số tiền rất lớn và đặc biệt là đã và đang gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo quy định của pháp luật, hàng hóa không đạt 70% chất lượng so với tiêu chuẩn công bố, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng so với quy định sẽ được xác định là hàng giả, lượng hàng giả tương đương với hàng thật trị giá 30.000.000 đồng trở lên thì hành vi sản xuất, buôn bán loại hàng này đến mức bị xử lý hình sự.
Với giá trị hàng hóa lên đến 8.200 tỷ đồng, các đối tượng sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất của tội danh này theo khoản 4, Điều 193 Bộ luật Hình sự với chế tài cao nhất. Đồng thời, toàn bộ số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu để sung vào quỹ nhà nước, ngoài ra cơ quan chức năng còn có thể áp dụng hình phạt tiền và tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của các đối tượng phạm tội. Điều đáng chú ý là tội danh này còn có thể xử lý hình sự với pháp nhân thương mại phạm tội theo điều 193 Bộ luật Hình sự.
Hàng chục nghìn tấn dầu thực vật không đảm bảo chất lượng được bán cho người tiêu dùng trong suốt thời gian dài, doanh thu của các công ty trong đường dây sản xuất và tiêu thụ dầu ăn giả lên đến hơn 8.200 tỷ, thậm chí một số công ty hoạt động suốt từ 10 đến 14 năm, nhưng các cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Thời gian gần đây, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái không đảm bảo an toàn thực phẩm, lừa gạt người tiêu dùng liên tiếp bị triệt phá, nay lại phát hiện thêm vụ dầu ăn chăn nuôi dùng để bán cho con người sử dụng trong thời gian dài. Rõ ràng đây là sự mất cảnh giác, chủ quan, thiếu ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý như cơ quan về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường và cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cơ quan quản lý chức năng về chuyên ngành của tỉnh Hưng Yên trong thời gian dài. Công ty này có thời gian dài sản xuất kinh doanh phi pháp nhưng bây giờ mới bị phát hiện cho thấy sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP), mặt hàng dầu thực vật thuộc nhóm sản phẩm do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, bao gồm toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh và lưu thông trên thị trường.
Ở góc độ người tiêu dùng, khi mua, sử dụng dầu ăn chăn nuôi trên cần hành động gì?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Việc sử dụng dầu ăn nhập khẩu dành cho thức ăn chăn nuôi để sản xuất chế biến thành dầu ăn chế biến thực phẩm cho người tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các tổ chức, cá nhân mua phải loại dầu ăn giả này có quyền yêu cầu doanh nghiệp hủy hợp đồng và hoàn tiền. Trong trường hợp sử dụng hàng giả gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe có quyền yêu cầu đơn vị kinh doanh phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Những người mua phải hàng giả có quyền liên hệ với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin tài liệu để được xác định là người có quyền lợi liên quan trong vụ án này, có quyền đưa ra tài liệu đồ vật yêu cầu, đặc biệt là có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi lừa dối khách hàng, bán hàng giả gây ra.

Liên quan đến việc "hô biến" dầu thực vật vốn dùng làm thức ăn chăn nuôi thành dầu ăn dành cho người có tên Ofood, một nhãn hiệu thực phẩm của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 15/2018 của Chính phủ, mặt hàng dầu thực vật thuộc nhóm sản phẩm do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
"Việc quản lý này bao gồm toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh và lưu thông trên thị trường", Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo loại dầu trên tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Lợi dụng cơ chế hậu kiểm để sản xuất hàng giả
Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã quyết liệt tuyên chiến hàng giả, quét sạch thực phẩm giả, thuốc giả và vụ dầu ăn giả trên bị triệt phá cho thấy điều đó?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Hàng giả tồn tại nhiều năm nay do sự buông lỏng quản lý. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thậm chí tuyên chiến với hàng giả, quét sách thuốc giả, thực phẩm giả. Tôi cho rằng, từ nay về sau, vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm giả, thuốc giả…sẽ giảm đến mức tối đa. Qua đó chúng ta thấy, nếu các cơ quan chức năng làm việc nghiêm minh, chuyên tâm, thể hiện hết tinh thần trách nhiệm trong quản lý chuyên ngành, tình trạng hàng gian, giả, kém chất lượng sẽ bị triệt tiêu và không ai dám tái vi phạm.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Với cơ chế hậu kiểm, để doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm, tự sản xuất và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đã khiến nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất hàng giả.
Thực hiện cao điểm đấu tranh với tội phạm buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại đã phát hiện xử lý đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất buôn bán hàng giả, đặc biệt với hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh. Chủ trương này của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn để đảm bảo công bằng xã hội, xử lý đối với các gian thương xem nhẹ tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, những lỗ hổng của pháp luật trong thời gian qua để vi phạm pháp luật.
Dư luận đặt câu hỏi Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food bán dầu ăn Ofood trong chăn nuôi nhiều năm, các công ty trong đường dây sản xuất và tiêu thụ dầu ăn giả ước tính doanh thu 8.200 tỷ đồng… phải có sự bảo kê, nâng đỡ không trong sáng của tổ chức và cá nhân nào đó?
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Như tôi đã nói ở trên, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food bán dầu ăn Ofood trong suốt nhiều năm, doanh thu của các doanh nghiệp trong đường dây sản xuất và tiêu thụ dầu ăn giả lên đến 8.200 tỷ đồng rõ ràng có sự buông lỏng của các cơ quan quản lý. Thậm chí tôi không loại trừ khả năng có sự chống lưng, nâng đỡ không trong sáng của tổ chức, cá nhân. Các cơ quan chức năng khi điều tra vụ án cũng cần làm sáng tỏ việc này.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Mới đây, Công an tỉnh Hưng Yên đã triệt phá một đường dây tiêu thụ dầu ăn giả, không đảm bảo ATTP với số lượng rất lớn, đồng thời khởi tố 3 bị can cầm đầu và thu giữ hơn 1.000 tấn dầu nhập lậu. Đáng lưu ý, nơi tiêu thụ chính được các đối tượng nhắm đến là những bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán xá, làng nghề chế biến bánh kẹo, đồ ăn vặt cho trẻ em..
Cụ thể, sản phẩm dầu ăn Ofood của Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food là dầu thực vật dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, không đạt tiêu chuẩn ATTP nhưng đã bị phát hiện bán ra thị trường.
Trong đường dây này còn có Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu An Hưng Phước đã tiếp tay tiêu thụ dầu ăn không đạt chuẩn. Cơ quan công an làm rõ, các đối tượng đã trục lợi từ 2 nguồn chính. Thứ nhất, chênh lệch giá bán, khi dầu ăn cho người được bán cao hơn khoảng 17% so với dầu dùng cho vật nuôi. Thứ hai, trốn thuế giá trị gia tăng (dầu ăn cho người chịu thuế 8%, còn dầu dùng cho chăn nuôi được miễn thuế (0%).