Đời sống 247

Nhóm thực phẩm người tiểu đường nên tránh kẻo nguy hại thận

Người bệnh thận và tiểu đường nên hạn chế hoặc tránh thực phẩm chứa nhiều đường, natri, kali như thịt chế biến sẵn, nước ép trái cây, khoai tây.

Những thực phẩm người tiểu đường nên tránh

Thận đảm nhiệm nhiều chức năng như lọc máu, loại bỏ các chất thải, sản xuất hormone, tăng cường xương, điều chỉnh cân bằng chất lỏng và huyết áp.

Nhiều yếu tố và tình trạng sức khỏe, bao gồm cả bệnh tiểu đường, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Lượng đường trong máu cao kéo dài có thể làm hỏng các mạch máu, bao gồm mạch máu ở thận.

Chế độ ăn uống cho người bệnh thận và tiểu đường tùy thuộc giai đoạn của bệnh thận, nhưng nhìn chung bao gồm theo dõi lượng đường, natri, kali và phốt pho nạp vào cơ thể.

Họ cũng nên lưu ý lượng protein vì thận không còn lọc các chất thải từ quá trình chuyển hóa protein hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh thận giai đoạn cuối có thể cần nhiều protein hơn.

thuc-pham-cho-nguoi-tieu-duong.jpg
Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp sẽ tốt cho bệnh - Ảnh minh họa nguồn Internet

Có 5 nhóm thực phẩm người tiểu đường nên tránh kẻo nguy hại cho thận gồm:

Natri - kẻ thù âm thầm của huyết áp và thận: Natri (muối) nhiều quá khiến thận làm việc quá sức, dễ gây tích nước, cao huyết áp và làm bệnh thận nặng thêm.

Hạn chế gấp các món: Thịt chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội, thịt khô…); Mì ăn liền, pizza đông lạnh, fast food; Đồ hộp, nước chấm công nghiệp.

Phốt pho - thủ phạm giấu mặt khiến xương yếu và tim mệt: Thận yếu không lọc nổi phốt pho dẫn tới tồn đọng trong máu làm loãng xương, tim mạch kém, tăng nguy cơ tử vong.

Vì vậy, cần tránh nước ngọt có gas màu sẫm (cola, soda đen…); Đậu, đậu lăng (nếu ăn thì thật ít)

Lưu ý, phốt pho từ động vật hấp thu nhanh hơn từ thực vật – nên ưu tiên ăn chay nhẹ nhàng sẽ tốt hơn.

Kali nhiều quá gây loạn nhịp tim, yếu cơ, mệt mỏi: Thận bị suy không thể thải hết kali dễ bị tăng kali máu sẽ khiến cơ thể cực kỳ nguy hiểm.

Hạn chế các món: Trái cây giàu kali như chuối, bơ, cam, kiwi, mơ; Rau lá xanh đậm như rau bina, cải cầu vồng, lá củ dền; Khoai tây, khoai lang nếu muốn ăn, nên gọt vỏ, cắt nhỏ và ngâm/luộc để loại bỏ bớt kali (ngâm trước khi nấu có thể giảm tới 70%).

Đường bổ sung - ‘xăng dầu’ cho đường huyết tăng vọt: Càng nhiều đường, đường huyết càng tăng gây tổn thương mạch máu khiến thận càng mau hỏng.

Loại bỏ: Nước ép trái cây, nước ngọt, sữa đặc; Bánh kẹo ngọt, bánh quy, kem, bánh rán.

Cẩn thận cả những món “ngọt tự nhiên” nhưng vẫn chứa đường nhiều như siro, mật ong, trái cây sấy…

Rượu - phá hoại cả thuốc lẫn thận: Rượu không chỉ gây tổn thương thận mà còn làm giảm tác dụng của thuốc tiểu đường khiến cơ thể dễ bị tụt đường huyết, mệt xỉu, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Nếu vẫn muốn dùng, nên hỏi bác sĩ để biết liều lượng an toàn.

tieu-duong-tha.jpg
Chọn trái cây và thực phẩm nguyên cám tốt cho bệnh - Ảnh minh họa nguồn Internet

Món ăn thân thiện với thận

Vậy người bị tiểu đường và bệnh thận nên ăn gì? Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, có một số món ăn “thân thiện với thận”, người bệnh tiểu đường nên ăn như:

Rau củ: Súp lơ, cà tím, củ cải, hành tây

Trái cây: Táo, mận, nho, dâu, anh đào

Đạm: Trứng, cá, thịt gà, hải sản ít muối

Tinh bột: Bánh mì, mì, bánh không muối, ngũ cốc nguyên cám

Đồ uống: Nước lọc, trà không đường, soda không đường không màu

Tiểu đường đã mệt, đừng để thận mệt thêm. Ăn uống đúng từ sớm sẽ giúp giảm biến chứng, giữ sức khỏe bền lâu.

BS Nguyễn Xuân Tuấn (giảng viên Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)

back to top
OSZAR »